Bộ môn bóng rổ: vị trí, chiến thuật và những điều cần lưu ý trong thi đấu

Bóng rổ đã và đang trở thành bộ môn thể thao thu hút rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là người ưa sự linh hoạt và sự mạnh mẽ. Luyện tập bóng rổ giúp chúng ta có được cơ thể khỏe khoắn, đôi chân nhanh nhẹn và khả năng ứng biến bất ngờ. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy cùng Belo.vn tìm hiểu và theo đuổi bộ môn thể thao hữu ích này ngay bây giờ.

1.VỊ TRÍ

1.1.Hậu vệ dẫn bóng (Point Guard – PG)

+Là một trong 5 vị trí chính thức trong môn bóng rổ, nếu dùng con số để thể hiện thì đây là là vị trí số 1. Nhiệm vụ của họ là sắp xếp đội hình tấn công, quan sát đối thủ và đồng đội, từ đó đưa ra những đường chuyền có thể đặt đồng đội vào thế ghi điểm hoặc tự mình ghi điểm.
+PG là người sắp đặt các chiến thuật tấn công, nhằm đưa bóng đến vị trí thuận lợi nhất cho việc ghi điểm và điều khiển nhịp độ trận đấu. Một hậu vệ phối bóng tốt phải nắm rõ khi nào phải phản công nhanh hoặc khi nào thì nên tấn công một cách thận trọng.
+Vị trí này đòi hỏi cầu thủ phải luôn ghi nhớ trong đầu thời gian còn lại của đợt tấn công, thời gian của cả hiệp đấu, tỉ số và cả số lần hội ý đã sử dụng của mỗi bên,… nhằm đưa ra những quyết định tốt nhất cho đội bóng. Các kỹ năng Chuyền – Nhồi – Ném và khả năng quan sát toàn diện là thứ không thể thiếu cho vị trí này
+Ở Việt Nam, chiều cao trung bình được cho là phù hợp với một PG thường từ 1m65 đến dưới 1m85.

+Hậu vệ phối bóng nổi tiếng như:  Jason Kidd, Magic Johnson, Steve Nash, hay ở Việt Nam như Nguyễn Phú Hoàng, Ngô Tuấn Trung, Nguyễn Tuấn Tú.


1.2.Hậu vệ ghi điểm (Shooting Guard – SG)

+Vị trí này còn được biết đến là vị trí số 2. Cùng với tiền phong phụ, hậu vệ ghi điểm là vị trí có nhiệm vụ chính là ghi điểm thường xuất hiện ở vị trí biên trong đội hình bóng rổ thường gặp. Như tên gọi, nhiệm vụ chính của SG là thực hiện những pha ném rổ, đặc biệt là từ khoảng cách 3 điểm.

+Ngoài ra, SG cũng cần có kỹ năng cầm bóng, đi bóng và chuyền bóng tốt, sẵn sàng để xâm nhập vành rổ đối phương hoặc kiến tạo. Dưới đây là một số kiểu mẫu SG điển hình mà chúng ta dễ bắt gặp khi theo dõi các giải bóng rổ chuyên nghiệp.

SLASHING SG: Như Dwyane Wade, Eric Gordon, Evan Turner…

SCORING SG: như Kobe Bryant, Ginobili, J.R Smith, James Harden,

ATHLETIC SG: như Demar DeRozan, Tracy McGrady, Vince Carter…

 


1.3.Tiền phong phụ (Small Forward – SF)

+Được biết đến là với số 3, SF là vị trí đầu mối gắn kết cả đội bóng lại với nhau. Vị trí này thường phải là người nhanh nhẹn và có khả năng cướp bóng tốt nhất trong đội bóng.
+SF thường sẽ hoạt động ở vùng trung tâm hình thang và cả bên trong lẫn ngoài khu 3 điểm.
Các tiền phong phụ phải là những cầu thủ đa năng và luôn là những người nhanh nhẹn, có thể ném gần, ném xa, lên rổ, đột phá. Trong bóng rổ hiện đại các ngôi sao thường chơi ở vị trí này vì được tự do hoạt động.

+SF nên là những người có thể hình vừa phải để phù hợp với lối đánh tầm trung. Có thể kể ra một số các Tiền phong phụ nổi danh: Larry Bird, Julius Erving, Carmelo Anthony hay LeBron James


1.4.Tiền phong chính (Power Forward – PF)

+Vị trí này còn được biết đến là vị trí số 4, vừa có nhiệm vụ phòng thủ, uy hiếp đối thủ ngoài vòng cấm địa hoặc trong vòng cấm địa để gánh bớt sức nặng cho Trung phong, hỗ trợ Trung phong trong kèm người và bắt bóng bật bảng, vừa có nhiệm vụ ghi điểm, với những cú ném thường trong khu vực ném 2 điểm.Tuy nhiên, với quá trình chuyển dịch của bóng rổ, ngày càng có nhiều tiền phong chính có khả năng ném 3 điểm tốt, như Dirk Nowitzki, Channing Frye

+Đây là vị trí cần thể hình, chiều cao cũng như sức mạnh.


1.5.Trung phong (Center – C)

+Vị trí này còn được biết đến là vị trí số 5. Đây là người chơi ở khu vực ngay dưới bảng rổ.

+Thường là người có thể hình tốt nhất trên sân, trong mặt trận tấn công, nhiệm vụ chính của Trung phong là ghi điểm ở khu vực hình thang, còn trong mặt trận phòng ngự, nhiệm vụ của họ là kèm người dưới rổ và bắt bóng bật bảng.
+Center cần là người có thể hình to nhất đội và kỹ năng lên rổ tốt và mạnh mẽ.v.v. Các trung phong nổi tiếng Thế giới như Yao Ming, Shaquille O’Neal

 

2. BA CHIẾN THUẬT ĐỈNH CAO TRONG BÓNG RỔ

Chiến thuật là yếu tố quan trọng, sẽ quyết định sự thắng bại của đội nhóm trong mỗi cuộc thi đấu. Vì vậy, các thành viên trong team cần phải phối hợp với nhau một cách ăn ý để có thể nắm giữ phần thắng trong tay. Dưới đây, Belo Sport sẽ giới thiệu tới bạn đọc 3 chiến thuật đáng được quan tâm và rèn luyện nhất trong bộ môn bóng rổ này.

2.1 Chiến thuật siêu tấn công PG, SG, C

 

+Vị trí C (Center): Nhiệm vụ cơ yếu của C trong đội hình này là Yểm trợ cho PG và SG; di chuyển lên rổ và ném vào rổ, ngoài ra khả năng cản không cho đối phương đến gần rổ để tranh bóng bật bảng cũng vô cùng quan trọng, điều này góp phần tạo tâm lý thoải mái cho các tay ném ở vòng ngoài.
Nhiệm vụ tiếp theo của C trong đội hình này là khả năng đánh 1-1 với đối thủ, khi áp lực ở phía trong đủ lớn để đối phương phải lui vào để hỗ trợ, đó chính là cơ hội cho những xạ thủ hàng ngoài.
+Vị trí PG (Point Guard): PG là bộ não chỉ huy, nhận định về đội hình phòng thủ của đối phương để đưa ra những đòn đánh hợp lý trong từng thời điểm, điều tiết nhịp độ trận đấu lúc nhanh lúc chậm và tất nhiên sẽ thực hiện những pha dứt điểm khi đối phương mất tập trung, lơ là.
+Vị trí SG (Shooting Guard): là con át chủ bài trong đội hình, di chuyển hợp lý và thông minh, tự tạo cho mình khoảng trống để thực hiện những pha 3 điểm chết người.
+Chiến thuật:
a) Khi trận đấu bắt đầu, C sẽ di chuyển vào phía trong vòng, SG và PG thi đấu phía vòng ngoài, khi bóng dồn vào cho C lập tức C sử dụng đòn tì đè để đánh 1-1 với đối phương, 2 cầu thủ vòng ngoài di chuyển để tìm khoảng trống, nếu có thể đánh 1-1 thì C sẽ đánh còn nếu không được thì tìm đc truyền hợp lý để vòng ngoài dứt điểm ở khoảng cách trung bình hoặc xa.
b) SG di chuyển ra góc sân, C và PG đánh thành 1 cặp, C yểm trợ cho PG di chuyển, cặp này sẽ đánh ở khu vực cao xa rổ, nếu C của đối phương không lên phòng thủ, với 1 yểm trợ PG có thể thực hiện 1 cú ném trung bình vô cùng thoáng, nếu C đối phương lên với tốc độ PG có thể lướt qua C và lên rổ, nếu người kèm SG về bù người thì PG sẽ chuyền ra để SG ném 3 điểm.

2.2 Chiến thuật tấn công PF, SF, PG

+ Vị trí PF: tranh bóng bật bảng là nhiệm vụ hàng đầu của PF cùng với khả năng linh động ở hàng trong. Những cú úp rổ mạnh mẽ của PF sẽ làm đối phương phải dè chừng.
+ Vị trí SF: là mũi tấn công chính trong đội hình với những pha ném ổn định
+ Vị trí PG: mọi đợt tấn công của đội sẽ đều qua tay PG, ngoài ra những pha xử lý bóng ở khoảng cách xa cũng sẽ là miếng đánh khiến đối phương phải bất ngờ.
+Chiến thuật
a). Khi trận đấu bắt đầu PF sẽ đi sâu vào trong, SF và PG đánh cao ở phía trên. SF yểm trợ để PG di chuyển, nếu có khoảng trống lập tức dứt điểm ngay. Nếu bị bù người thì chuyền bóng cho PF phía trong để dứt điểm hoặc thực hiện 1 cú alley-oop (nhận đường chuyền trên không và ghi điểm). Trong trường hợp bị kèm chặt có thể chuyền lại cho SF đánh 1-1 để ghi điểm
b) PG dẫn bóng ra góc thu hút sự chú ý của đối phương, sau đó chuyền lại cho SF, lúc này SF và PF phối hợp để ghi điểm, trong trường hợp này những cú dứt điểm ở khoảng cách trung bình sẽ đạt hiệu quả cao.

2.3 Chiến thuật tấn công thiết lập và tấn công khu vực

1. Tấn công thiết lập
+Tấn công thiết lập là chiêu thức được áp dụng phổ biến trong thời gian gần đây, hoạt động dựa trên khả năng phối hợp giữa các thành viên trong đội bóng rổ, tạo ra các lớp lá chắn dẫn đến cơ hội dứt điểm ghi bàn.
+Bên cạnh đó, chiến thuật cũng dựa trên khả năng chạy và kỹ thuật đột phá của từng cầu thủ, kết hợp ra hiệu điều khiển tình thế bằng miệng hoặc ngôn ngữ cơ thể, thiết lập lối chơi tấn công hiệu quả.
+Đa số đội bóng rất ưa thích các kiểu ghi điểm nhanh, nhưng việc giảm tốc độ thành kiểu tấn công thiết lập từ từ cũng rất thiết yếu. Kiểu tấn công này yêu cầu khả năng phối hợp các đồng đội và bù chắn để tạo ra cơ hội đứt điểm tốt. Các loại hình tấn công dựa trên khả năng đột phá và chạy chỗ của cá nhân.

2.Tấn công khu vực 
+Tấn công khu vực là chiến thuật tấn công tập trung vào một khu vực phòng ngự đòi hỏi bóng phải di chuyển và vượt qua mọi sự cản trở tấn công 1 kèm 1 của các đối thủ có khả năng di chuyển và kỹ thuật cá nhân cao.
+Để áp dụng chiến thuật tấn công khu vực cố định nào đó, các cầu thủ phải khảo sát và xác định điểm mạnh điểm yếu của đối thủ để khai thác sơ hở tại khu vực đó. Cầu thủ tấn công khu vực có kỹ năng tốt cần rèn luyện kỹ thuật ném bóng ngoài khu vực, tấn công chớp hoặc tranh bóng giỏi để đạt hiệu quả cao khi thực hiện tấn công khu vực.
+Ném bóng ngoài khu vực tốt hay tranh bóng bật bảng đều là những yếu tố quyết định thành bại của tấn công khu vực. Lưu ý về giả ném ( Fake shot) trong bóng rổ để tấn công hiệu quả hơn.

 

3. NHỮNG ĐIỀU CẦN HẾT SỨC LƯU Ý KHI THI ĐẤU

3.1.Những sai lầm trong việc dẫn bóng

+ Một trong những sai lầm thường gặp nhất trong việc dẫn bóng rổ là cố gắng xử lý bóng bằng lòng bàn tay. Trên thực tế, bạn nên cầm bóng rổ bằng các đầu ngón tay. Theo sau đó, ngón tay và bàn tay của bạn phải có sức lực vừa đủ để nhồi bóng di chuyển. Nên quan tâm tới việc rèn luyện ngón tay của bạn để chúng trở nên mạnh mẽ. Điều quan trọng tiếp theo là thuần thục cách sử dụng cả hai tay để nhồi bóng (cách nhồi bóng rổ bằng hai tay) nếu không đối thủ của bạn sẽ dễ dàng cướp bóng.

+ Một sai lầm khác là dẫn bóng tới gần đối thủ. Khi nhồi bóng, tay cầm bóng của bạn nên đặt cách xa đối thủ càng xa càng tốt. Điều này sẽ khiến đối thủ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc cướp bóng từ bạn. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật này thì đội bạn sẽ giữ được thế chủ động trên sân, đồng thời có cơ hội đưa bóng vào rổ.

+ Bạn có thể mất tập trung vào quả bóng khi dẫn bóng. Điều này sẽ cản trở sự nắm bắt của bạn về những gì xảy ra xung quanh bạn. Trong khi thực hiện dẫn bóng, bạn nên tập trung vào mọi điều nhỏ nhặt xảy ra trên sân để bạn có thể tham gia phòng thủ đúng cách.

3.2. Một số lời khuyên hữu ích trong dẫn bóng

+ Hãy ngẩng cao đầu và hướng mắt về sân đấu khi nhồi bóng

+ Nhớ bảo vệ bóng khi di chuyển

+ Luôn để bóng nảy mạnh dưới sàn sân

+ Luôn kiểm soát bóng trong tầm tay của mình (xem thêm cách kiểm soát bóng rổ)

+ Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên sử dụng cả hai tay của bạn khi dẫn bóng

+ Dẫn bóng rổ là một kỹ năng có thể được luyện tập và cải thiện nâng cao. Nếu bạn có ước mơ trở thành một người dẫn bóng tuyệt vời, bạn phải dành thời gian và thực hành các bài tập dẫn bóng trong bóng rổ của mình.

 

3.3. Một vài lưu ý khác

+ Khởi động đầy đủ và đúng kĩ thuật, sử dụng xịt nóng thể thao để khởi động có hiệu quả hơn, tránh trường hợp bị giãn cơ, chấn thương ngoài ý muốn

+ Sử dụng trang bị bảo vệ khi tham gia tập luyện như bó gối, bó khuỷu

+ Lựa chọn trang phục và giày bóng rổ phù hợp (tham khảo thêm tại đây)

+ Tập luyện, thi đấu ở sân không gồ ghề, không quá nhẵn

Trên đây là một vài chia sẻ của Belo về vị trí, chiến thuật cũng như những lưu ý cần biết trong tập luyện bóng rổ. Hi vọng rằng, bạn đọc cảm thấy hứng thú và yêu thích bộ môn thể thao này hơn, và có thể biến nó trở thành một bộ môn thế mạnh của mình.

 

Tin Liên Quan